• Chiếc hoa hồng đặc biệt

    Chiếc hoa hồng đặc biệt

    Cho tôi xin phép được gọi đây là món quà đặc biệt nhất trong số những món quà tôi đã được nhận từ bạn bè. Vì với tôi, chiếc hoa hồng này đặc biệt từ cách tạo nên, người tạo nên và cả hoàn cảnh tạo nên nó.

    Nguyên liệu để làm nên cả cành hoa cùng con bướm là những chiếc túi nilong chúng ta vứt đi hàng ngày chỉ sau một lần sử dụng. Những chiếc túi ấy được hơ trên lửa để teo lại đến một mức độ nhất định có thể se lại thành những sợi dây. Và từng sợi dây ấy sẽ được đan vào nhau để tạo thành hình. Nghe qua đã có vẻ công phu rồi nhỉ? Nhưng thật sự đó chỉ là 1 phần 1000 của sự công phu để tạo nên cành hoa trên mà thôi.

    Vì lửa để hơ từng chiếc túi nilong là một ngọn lửa nhỏ leo lắt, được vụng trộm lén lút đốt lên giữa phòng giam. Túi nilong cũng là lén nhặt được trong những lần ra ngoài làm việc cải tạo, lén giặt sạch lau khô. Mỗi ngày bạn cặm cụi se túi nilong thành sợi, phân ra thành từng màu sắc khác nhau, cần mẫn đan từng chút một. Có cán bộ đi kiểm tra thì tắt lửa, đi qua rồi thì bật lên làm tiếp. Đến lúc phải ngủ thì tắt lửa, giấu “bộ đồ nghề” cẩn thận để hôm sau lại tiếp tục làm.

    Bạn cặm cụi đan được hai con tôm và bông hoa hồng. Bạn bảo cái này phổ biến trong “giới” phạm nhân lắm nên người này chỉ người kia làm. Trước khi tặng nó cho tôi thì bạn có diễn tả qua về nó trong cuộc gọi kèm câu nói: “Lúc ngồi đan nghĩ rằng sau này ra ngoài sẽ dành tặng nó cho người bạn gái của mình, tuy không biết có ai chịu quen mình không. Không nghĩ là giờ muốn tặng nó cho Trang hơn là tặng con tôm.”

    Tôi trân quý lắm công sức bạn làm nên cành hoa trong hoàn cảnh như thế. Có một đợt tôi đọc được bài báo về một người tử tù, món quà cuối cùng ông tặng cho con gái của mình là một con tôm được đan như cành hoa và con tôm bạn tôi đan vậy. Tôi chợt nhận ra rằng trong thời khắc cần mẩn đan lát đó, đó là cả tấm lòng của một người đã muốn hoàn lương.

    ***

    Bạn có kể với tôi cách bạn cũng như vài phạm nhân khác tạo ra lửa trong phòng giam, có người còn áp dụng được cả quy chế hoạt động của ấm đun nước bằng điện để chế tạo ra một thứ gì đó có thể đun sôi nước trong phòng giam nhưng với khoảng thời gian gần 12 năm đã trôi qua thì tôi không thể nhớ nỗi. Nó phi thường lắm mọi người ạ vì nó được tạo nên chỉ từ những thứ vụn vặt họ nhặt được mà thôi, đại loại như một mảnh nhôm hay một cục pin chẳng hạn…

    Bạn kể với tôi nhiều điều về việc sinh hoạt của một người phạm nhân, kể về cách người nhà ráng giấu một thứ gì đó vào trong hộp sữa Cô gái Hà Lan rồi hàn kín lại như một hộp sữa mới hòng qua mắt cán bộ, để gửi vào trong theo mong muốn của người thân bị giam giữ. Và có người nhờ người nhà gửi cả “condom”. Khi nói đến khía cạnh này thì bọn tôi chỉ cười trong sự không tin được của tôi rồi cả hai nói sang chuyện khác. Khác giới thì không nên nói thêm gì về đề tài này mặc dù trong đầu tôi có hàng tá cái thắc mắc.

    ***

    Một cuộc gọi đến từ một số lạ:

    – Người đầu dây bên kia là Trang phải không?

    – Đúng rồi ạ. Cho hỏi là ai thế ạ?

    – Bạn là Trang nào vậy? Có biết mình không? Tại sao lại có số bạn trong điện thoại của mình?

    Sau một hồi hỏi nhau bằng vô số câu hỏi trong sự ngơ ngác qua lại thì chúng tôi phát hiện ra rằng: chị ruột của bạn cũng là chị đồng nghiệp của tôi đã dùng chiếc điện thoại này, lưu số tôi vào điện thoại thay vì lưu vào sim và khi bạn được ra ngoài thì đã chuyển nhượng chiếc điện thoại sang cho bạn dùng. Và vì chị lưu tên tôi nghe thân thương quá “bé Trang” nên khiến bạn hao tâm tổn sức ráng nhớ lại xem trước khi vào trại, bạn có thân thiết với cô gái nào đến mức lưu tên là “bé” hay không, nhưng nghĩ mãi không ra được nên quyết định làm một cuộc gọi.

    Thế là chúng tôi trò chuyện cùng nhau.

    Ngày ấy mạng Mobifone có chương trình hễ cùng mạng và gọi dưới 10 phút sẽ không tính phí hoặc phí rất thấp nên bạn cứ gọi nói chuyện với tôi được 10 phút thì tắt xong gọi lại (nhưng đâu phải lúc nào cũng canh được 10 phút). Cứ thế có ngày gần trăm cuộc gọi. Có lẽ tôi là người duy nhất bạn có thể bộc bạch được tâm tư trong những ngày vừa tái hoà nhập cộng đồng.

    Bạn kể có hôm đang chạy xe trong xóm thì xảy ra va chạm với người lạ. Người ấy hùng hổ dữ lắm, bạn đang vẫn chưa nói gì thì anh chủ tiệm sửa xe đi ra bảo: “Thằng này nó vừa trong trại ra đấy.” Người kia nghe nói thế im lặng bỏ đi. Bạn kể xong cả hai chúng tôi cùng phá ra cười, cười xong bạn bảo: “Cái đó có gì hay đâu mà đem ra nói.” Tôi chọc bạn: “Nhưng nó vừa cứu bạn ra khỏi một rắc rối còn gì.” Nói cho vui vậy thôi chứ tôi biết trong lòng bạn cảm giác ra sao về “sự cứu giúp vô tình của anh hàng xóm” mà.

    Đến lúc thấy thoải mái bạn mới nói với tôi lí do tại sao bạn phải ngồi tù, thời gian bao lâu. Bạn nhấn mạnh vào lí do để nếu tôi có sợ thì vẫn có thể ngưng nói chuyện và ngưng làm bạn với bạn.

    Nhưng điều bạn nói mà tôi nhớ rõ nhất là bộc bạch về gia đình: “Ngày đó vì anh em chẳng màng gì, thấy anh em bị đánh thì xông vô ta đây lắm, rồi lúc lãnh án vào tù thì người đi thăm cũng chỉ có người nhà, cần gì thì cũng chỉ có người nhà gửi chứ anh em có thấy một ai. Người khổ cũng chỉ là người nhà mình.” Tôi không đưa ra lời khuyên vì tôi sợ sẽ khiến bạn thấy mặc cảm nên chỉ khi nghe được bộc bạch này tôi mới nhắn nhủ: “Vậy đừng mắc phải sai lầm để vào đó nữa nhé. Có nhiều người vào rồi không sợ nữa nên ra ngoài không biết sợ ấy.” Bạn bảo không có chuyện đó đâu. Giờ gõ những dòng chữ này, tôi thật mong là bạn vẫn đang sống tốt.

    Tôi ngày ấy chỉ đang là một cô sinh viên cuối năm hai đầu năm ba, bạn bằng tuổi tôi – một chàng trai 20 – 21 tuổi vừa tái hoà nhập cộng đồng sau gần 3 năm trong nhà giam. Tôi thì thích lắng nghe hơn nói, thích nghe người khác kể về cuộc đời họ – những mảnh cuộc sống khác mà tôi không nhìn thấy, chắc hẳn vì vậy mà tôi được hay có những cuộc trò chuyện khá sâu sắc như thế.

    Những mảnh kí ức về bạn bỗng trở lại khi hôm nay lướt insta, tôi thấy được video của một tiệm sản xuất túi xách từ những chiếc túi nilong đã bị vứt đi theo cách se sợi và đan lát như cách bạn đã tạo nên bông hoa hồng.

  • Mừng Lễ 30/4

    Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày Lễ lớn này của đất nước là chúng ta sẽ được tiếp xúc với đủ giọng điệu của “bờ bên kia chiến tuyến”: có tức giận, thù hằn, hằn học mà lắt léo dùng con chữ đánh tráo khái niệm cũng có.

    Cái ngày tôi còn là sinh viên, facebook cũng vừa hoà nhập vào giới trẻ Việt Nam không bao lâu nhưng đã sớm trở thành “mặt trận” để “bờ bên kia chiến tuyến” (sau này tôi sẽ gọi tắt là ba que, để viết cho nhanh) hoạt động mạnh mẽ. Chúng áp dụng vô số chiêu trò, từ trực diện nhất là lăng mạ Bác đến tranh luận, đặt ra giả thuyết nhằm tạo nên nghi vấn trong suy nghĩ của giới trẻ, khiến giới trẻ bước đầu bắt đầu hoài nghi về những kiến thức lịch sử được học: “Liệu chúng có hoàn toàn là sự thật không?”, “Một Đảng có thật sự tốt?”, “Tại sao chúng ta không đa Đảng?”.

    Bạn tôi khi đó – với lòng nhiệt huyết với ngành và lòng yêu nước – đã lập nên một trang fanpage về ngành. Và trang fanpage đó sớm đã trở thành nơi dồn sức tấn công của ba que. Khéo thay bạn tôi là một dân chuyên Sử, có tư tưởng rõ ràng, có lí luận và khả năng lập luận sắc bén nên chưa từng “thua” trong bất cứ “cuộc tranh cãi” nào.

    Tôi đã từng hỏi bạn rằng: “Sao anh phải tốn thời gian cãi nhau với bọn chúng như vậy? Vì chắc chắn tụi nó sẽ không chỉ vì lí luận không lại anh mà cho rằng Cộng Sản đúng được.” Anh bảo: “Anh trả lời trên đây không phải để cho tụi nó đọc, mà là để cho những bạn trẻ, những người không theo phe nào họ đọc. Nếu không có người phản biện lại những lí lẽ của phe bên kia thì sẽ có không ít người tin theo chúng. Điều đó rất nguy hiểm.”

    Kết quả là từ một mình, anh có thêm nhiều “đồng đội” cùng “chiến tuyến”, họ tìm đến anh qua việc theo dõi những bình luận phản biện của anh. Và sau đó tham gia với anh thành một đội, cùng nhau phản biện tất cả mọi lí lẽ “đánh lận con đen” của bọn chúng, cùng anh tạo những tài khoản ảo, tham gia vào các nhóm của phe cánh phản động rồi từ từ tìm cách kiểm soát nhóm, đập tan “mọi sân chơi” nhằm tuyên truyền tư tưởng lệch lạc của bọn chúng.

    Mỗi dịp hiếm hoi tụ tập gặp nhau ăn uống, cả đám lại tự cười mình như cái cách phe kia gọi bọn tôi là đám “Dư luận viên” ăn cơm Nhà nước, trong khi thực tế là chỉ có một người ăn cơm Nhà nước thôi, còn lại đều là những đứa nhóc sinh viên còn đang ăn cơm ba mẹ, chắc có mỗi tôi là vừa ra trường đi làm thì nửa bát bản thân tự lo, nửa bát vẫn còn ăn của ba mẹ :)))

    ******

    Ngày nay khi lướt những trang fanpage công cộng, tôi thấy ý thức mọi người cao hơn khi số lượt bình luận của phe bên kia vừa ít vừa bị dập cho tơi tả: có người phản biện lại rõ ràng, có người lại khịa cho sấp mặt :))) Tôi cũng thấy có không ít trang fanpage có dàn admin trẻ ngày càng tôn trọng và trân trọng ngày Lễ lớn này. Thật là tốt!

    Không có gì tốt bằng giới trẻ biết trân trọng hoà bình đang có, trân trọng máu đã đổ xuống của cha ông. Vì chỉ khi con người biết trân trọng những giá trị cốt lõi của “tính người”, thế giới mới an bình được, phạm vi nhỏ ở đây là đất nước tôi – Việt Nam.

    ****

    Khi nãy vừa chăm sóc da, có một suy nghĩ dợm thoáng qua trong đầu rằng: “Tôi chỉ có bản thân mình, mọi thứ xung quanh tác động cùng lắm cũng chỉ vỏn vẹn có gia đình, ấy vậy mà còn hoang mang chông chênh trên con đường tạo lập bản thân. Lắm lúc còn như người mù đường, hoàn toàn mất phương hướng. Vậy mà Bác lại có thể giải phóng được cả một dân tộc. Lúc bắt đầu chắc Bác cũng hoang mang lắm vì ở góc nhìn vô cùng hạn hẹp của tôi thì mọi thứ khi ấy để có thể làm nên cơ đồ dường như đều có thể tóm gọn bằng hai chữ “vô định”.” Vậy nên Bác chính là một tượng đài không bao giờ đổ trong tôi.

    Mừng ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước để tôi có được bình an hôm nay 🇻🇳

  • Đất sẽ hoá lành

    Khi con người có đủ lòng, thời gian đến, đất sẽ hoá lành.

    Mình tin là vậy.

    Chiều nay có khách mua hàng nhờ giao đến chùa để ủng hộ miền Trung. Xe chưa kịp đến cổng đã thấy mọi người tấp nập bận rộn: người đóng, người chuyển, người sắp hàng hoá viện trợ lên xe. Đó là một chiếc xe có tải trọng 20 tấn mà mì cùng các nhu yếu phẩm đã được chất lên chạm nóc xe rồi.

    Một chú trong nhóm bốc hàng từ xa phát hiện xe nhà mình đang kẹt chiếc taxi, chú vội vàng chạy lên hỏi han và hỗ trợ dẹp đường cho xe chạy vào sân chùa xuống hàng. Sư cô ra trò chuyện dăm ba câu. Cô bảo sáng giờ đã đi được 2 chuyến xe rồi, chiếc này sẽ là chuyến thứ ba. Ngày mai các Sư Cô mới bay ra sau, chứ theo xe ra đó không còn sức đi viện trợ nữa. Vé may bay được hỗ trợ nên còn thấp lắm, chỉ tầm 500.000 thôi. Ra đó có xe của các Phật tử chuẩn bị cả rồi….

    Qua nay khách ghé cửa hàng người mua đôi ba bịch bánh gạo, người dăm ba thùng mì gửi đến nơi tập trung nhận hàng viện trợ. Của ít mà lòng nhiều là đó. Còn nhớ có cô chạy chiếc đạp điện vào quán và bảo: “Bán cho cô hai thùng Hảo Hảo, cô gửi ủng hộ ra miền Trung.”

    Một vùng quê xa xôi ở miền Trung – nơi Trang được may mắn đi giữa đồng ruộng và ngồi bên đồng ruộng, hít hơi lúa cùng ngắm không gian yên bình.
  • Vì một cái kết có hậu

    Hôm nay mình đi xem phim “Spiderman: No way home”.

    Lúc xem phim, mình hiểu được một thông điệp rằng: Chúng ta đừng nên cố gắng thay đổi số phận vì càng thay đổi lại càng sai lầm (Trong phim các nhân vật dùng từ “fate”). Nhưng mình thấy hiểu như vậy chưa đúng ý của phim, nói chính xác hơn là chưa đủ ý. Vậy nên mình nghiền ngẫm mãi, lật đi lật lại cùng cuộc sống của mình – thì mình đã hiểu được sâu hơn.

    …………………………………………..

    Có lẽ một thông điệp “đủ” hơn mà bộ phim muốn truyền tải về “change fate” là: Chúng ta đừng cố gắng thay đổi số phận của người khác. Cho dù chúng ta “nghĩ rằng” điều đó là tốt hơn cho họ. Càng cố thay đổi sẽ càng sai lầm.

    Mỗi chúng ta đều có hành trình riêng của mình. Nó được tạo thành từ những gì chúng ta quyết định và chọn lựa thông qua những tình huống xảy đến với bản thân. Vậy nên thành quả hay hậu quả đến với một ai đó đều là kết quả cho chuỗi những hành động và chọn lựa của họ. Khi chúng ta phát lòng thành muốn giúp đỡ, hãy chỉ giúp họ về mặt tư tưởng và suy nghĩ, đừng đưa tay can thiệp sâu vào cuộc sống ấy (Với mình tư tưởng và suy nghĩ là cội nguồn dẫn đến hành động. Hành động khác nhau có thể sẽ đưa đến những kết quả khác nhau). Và hơn thế, điều chúng ta cho rằng tốt hơn cho họ liệu có phải là điều họ muốn?

    Nghĩ vậy và làm vậy sẽ dễ khi chúng ta và họ không liên hệ sâu sắc với nhau. Còn khi đã gắn kết mật thiết với nhau rồi, nghĩa là lợi ích của chúng ta cùng lợi ích của họ có sự tỉ lệ thuận, thì ta khó để lòng chịu nằm yên, không can thiệp. Và càng khó hơn khi đó là một mối quan hệ tình cảm yêu thương.

    Khi bước vào một mối quan hệ, mình luôn mong cầu đến một cái kết có hậu. Vậy nên mình luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ ấy bền chặt hơn. Khi bạn ấy nỗ lực chưa đủ, mình sẽ nỗ lực luôn cả phần của bạn: chủ động tương tác, chủ động trong mọi thứ. Khi bạn ấy bị mắc kẹt trong vấn đề của bản thân, mình sẽ xắn tay áo lên và tìm mọi cách giải quyết vấn đề giúp bạn, thậm chí giải quyết luôn cho bạn (mình đã nghĩ rằng giải quyết như vậy là xong rắc rối). Tất cả thảy những điều mình làm đều từ sự nhận định của mình rằng: khi các khó khăn càng sớm được giải quyết, cái kết có hậu sẽ đến nhanh hơn. Và kết quả là tất cả các mối quan hệ của mình đều bung bét.

    Sau thật nhiều khoảng thời gian qua đi cùng sự phát triển của nhận thức, mình hiểu được một điều rằng ai cũng có hành trình riêng của mình. Bản thân mình đã vấp ngã rất nhiều, cũng như sau nhiều khoảng thời gian rất dài, nhận thức của mình mới phát triển được. Vậy nên mình không có quyền ép đối phương phải phát triển nhanh, phải nhìn ra mọi vấn đề ngay lập tức để có thể giải quyết rắc rối ngay lập tức. Họ sẽ có lúc vấp ngã, sẽ có lúc phải tự chống chọi với bóng tối của bản thân như mình đã từng, sẽ phải một mình tập cách đứng dậy. Đó là một hành trình – chỉ của riêng họ. Điều duy nhất mình nên làm và có thể làm là tôn trọng hành trình đó: để họ yên khi họ muốn được yên lặng, tạo ra niềm vui khi họ tương tác và nếu sự tương tác có đủ độ sâu, hẳn chia sẽ có chừng mực nhận thức của bản thân. Nếu bạn ấy có khả năng lĩnh hội tốt cùng nội lực vững vàng, từng đoạn hành trình của bạn ấy sẽ được ngắn hơn. Đừng cố gắng sửa chữa điều đã đến hay thay đổi điều sắp đến của họ.

    Và khi lặn sâu hơn vào những vòng bế tắc, mình nhận ra thêm một điều: Hãy thôi chăm chăm nhìn vào cái kết có hậu. Vì không phải ai cùng bạn yêu thương cũng có nghĩa là người dành cho bạn. Đôi khi nhiệm vụ của họ chỉ là xuất hiện bên cạnh bạn chỉ một đoạn đường.

    …………………………………………..

    Mình là người tin vào luật nhân quả. Vậy nên khi những điều không tốt vô lý xảy đến với mình, mình sẽ nghĩ rằng đó là do kiếp trước mình đã sống không tốt với họ. Họ đến đây, tương tác cùng mình, xong duyên nợ rồi họ sẽ bước đi. Vì họ cũng có kiếp trước của họ, cũng có những duyên nợ với những người khác và có một ai đó họ nợ nhiều hơn. Khi nhìn sự việc như vậy, sự không cam tâm trong lòng của mình được vơi đi. Mình đã từng không cam tâm khi mọi nỗ lực của mình không được đền đáp bằng một cái kết có hậu. Càng không cam tâm, mình càng muốn thay đổi, điều đó khiến cho mọi thứ càng tệ hại hơn. Những ngày này, sự không cam tâm quay trở lại khi nỗi sợ mình không có đủ thời gian để chờ sự phát triển của một người khi sự phát triển đó là chìa khoá duy nhất dẫn đến cái kết có hậu mà mình muốn. Có lẽ cái chết của dì May trong phim, cũng như của bác Ben và của MJ (Spiderman number2) đã khiến mình hiểu rằng mỗi người không chỉ có những đoạn hành trình riêng, mà còn có số phận riêng của chín họ. Khi những đoạn hành trình mình đã không nên can thiệp, thì cả số phận của họ mình càng không nên thay đổi. Họ không phải dành cho mình, xin mình đừng cưỡng cầu thay đổi họ thành của mình.

    …………………………………………..

    Không phải là buông xuôi bỏ mặc tất cả. Chỉ là tập trung thay đổi những gì thuộc về bản thân, không ngừng cố gắng để bản thân trọn vẹn hơn từng ngày.

    Tôn trọng hành trình của người khác. Yêu thương hành trình của chính mình. What will be will be ☘️

    P/s: Đây là ảnh nền điện thoại một thời của mình để tự nhắc nhở bản thân. Nay bài học này mình được học lại – một cách sâu sắc hơn.

  • “Vì họ thật”

    Tuy năm nay dịch bùng phát trong nước nhưng nhà mình vẫn có thể buôn bán được, có cực nhọc hơn nhưng mọi thứ vẫn rất ổn so với tình hình chung bên ngoài. Vậy nên nhà mình có chuẩn bị một vài phần quà hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn dịp Tết. Bữa ba thấy chú bán vé số kia đi ngang quán, ba gọi chú vào và bảo mình gửi quà.

    Mình đang bận tính tiền nên má đi lấy quà cho chú, có 10kg gạo cùng một ít dầu ăn mắm muối.

    Lúc đầu ba gọi, mình thấy chú nhìn vào cười bẽn lẽn. Chú chỉ đứng bên ngoài cửa hàng chứ không dám vào, vừa cười cười ngại ngùng vừa gật đầu chào cả mình và má mình. Má hỏi có ôm được 10kg gạo không, nặng lắm đó. Chú bảo được, không sao. Đến lúc má đưa thì chú vác gạo lên một vai, tay kia cầm bịch dầu mắm muối. Thực sự là chú đi không có được khi phải mang nặng như thế, bình thường chỉ cầm xập vé số đã đi xiêu quẹo rồi nhưng chú vẫn cười tươi bảo là mình mang được. Cuối cùng thì sau khi nói qua nói lại, ba mình chở chú về. Ba mình kể với má lúc chở đến phòng trọ, chú ấy bảo với ba rằng: Thật ngại quá. Bác đã cho cháu đồ rồi còn bắt bác phải chở về tận nhà.

    Chú chỉ là một người bán vé số bị tật.


    Cách đây đã rất rất lâu rồi, mình cùng một người bạn đi dạo biển. Hôm ấy lúc bắt đầu về cũng đã khá trễ – và không may là xe anh lại bị bể bánh. Cuối cùng hai đứa phải dẫn bộ đi tìm chỗ vá xe khi trời thì càng lúc càng thêm khuya muộn.

    Đến một ngã ba đường lớn, trên vỉa hè có một chỗ sửa xe dạo còn chưa nghỉ. Trong thời gian chờ vá, anh và mình gọi nước của hàng nước dạo bên cạnh. Hai đứa chưa yên vị được trên chiếc ghế nhựa xổm được bao lâu thì bắt đầu vang lên tiếng cự cãi qua lại của mấy người sống về đêm ở khu vực vỉa hè đó. Chuyện là cô kia có cái loa nhỏ mở nhạc to quá, chú kia tròng ghẹo với giọng điệu mỉa mai. Cô này tức lên bảo mày có tin tao đập bể cái loa này không. Chú kia càng được nước lấn tới thách thức. Thế là cô kia vung tay lên đập cái rầm xuống đường, cái loa lăn long lóc. Chú kia cười hề hề còn mình thì câm như hến, mãi khi mọi chuyện yên lắng lại mới dám thỏ thẻ bảo anh: “Em thấy họ đáng sợ quá.” Ánh mắt anh vẫn nhìn về họ và bảo: “Nhưng anh lại thích nói chuyện và chơi với những người như họ. Vì họ thật.”

    Hôm đó mình không hiểu hết câu nói của anh. Đến hôm nay cũng được 10 năm rồi, mình mới thực sự hiểu “Vì họ thật” nghĩa là gì. Xã hội bên ngoài người giàu sang đẹp đẽ hay ít nhất cũng phục trang đàng hoàng lại có thể là kẻ bạo hành và giết những đứa bé. Trong cuộc sống người liêm minh chính trực hoá ra lại là kẻ lừa dối, lối sống chẳng hề đạo mạo như vẻ bên ngoài. Đem họ đặt cạnh chú bán vé số, đặt cạnh những người sống về khuya cộc cằn kia hay đặt cạnh những cô lao công áo bảo hộ sờn cũ mỗi khi bước vào cửa hàng đều để dép bên ngoài – thì cái thật giả của lòng người chẳng thể nhận định được chỉ bằng tai và mắt.

    Một góc chùa mùa cây thay lá
  • “Trong veo” và “Vừa được cầu hôn..” ^^

    00:55 mình vừa về tới nhà sau dịp gặp gỡ lại hai chị em đồng nghiệp cũ mà nay đã thành bạn của nhau luôn rồi. Lúc mình vừa ngồi vào ghế cũng là lúc em A thông báo với mình và em B rằng một cô bạn chung của cả 3 đứa mình vừa được cầu hôn.

    – AAAAAAAAAAAAAAA!!!!!
    Em B và mình cùng hét lên trong sự ráng kiềm chế âm lượng của cả 2. Mình thì phải đưa cả 2 tay lên vừa ôm lấy hai gò má vừa hét vì cảm thấy rõ rệt trái tim đang rung động quá đỗi, phải ôm lấy má để kiềm chế lại thôi. Một cảm giác vui mừng cho hạnh phúc của bạn mà mỗi đứa đều hiểu rất rõ ràng rằng để đến được bước hạnh phúc này chưa hề là một điều dễ dàng.

      Haha. Và thật tốt là: khi các cô gái ở độ tuổi quá 30 này, từng trải đủ thứ cảm xúc trồi sụt trong việc tìm hiểu bản thân, trong việc gắn kết với một người khác, đã kết hôn – vẫn giữ được “rung động” trước hôn nhân như thế. Vì mỗi người chúng ta đều biết rằng: quyết định tiến vào hôn nhân lúc này không phải là một sự “ngã vào” đầy mơ mộng ngập tràn sắc hường phấn của tuổi đôi mươi, mà là một quyết định sau khi đã có sự cân nhắc, sự nhìn nhận thông suốt với đúng gam màu của nó – có hồng, có xám, có trắng và có cả đen.

      Mình gọi sự rung động này một cách đầy sự văn vẻ là: một sự rung động “trong veo” vì trong veo là không vướng tạp chất – như những cảm xúc tinh khiết có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta – thứ mà theo va vấp cùng thời gian, chúng ta đều sẽ dễ đánh mất đi, không tìm thấy lại nữa.

      Vậy nên những rung động chân thật đó đáng quý vô cùng. Tối hôm nay chúng tôi có đến cả hai rung động trong veo như thế, đó là: mừng cho hạnh phúc của bạn và trân trọng khía cạnh giá trị hạnh phúc của hôn nhân.

      Tia nắng trên ngọn cây xanh – cũng rất “trong veo” ^^

      Tia nắng trên ngọn cây xanh – cũng rất trong veo
    • Mình thích Tết và nghĩ rằng mình vẫn sẽ luôn thích Tết

      Giáp Thìn 2024 – tuổi Dương 33 và tuổi Âm đã 34 nhưng mình vẫn thích Tết. Nếu nói điều đó ra với nhiều người, hẳn họ sẽ cho rằng vì mình còn độc thân nên mới thế. Còn mình thì mình có rất nhiều lý do để thích Tết, như sáng nay chợ tấp nập hơn trong ngày 23 tháng Chạp – ngày đưa ông Táo về trời, người người ngồi bán cá, bán hoa; như sân của ngôi nhà đầu hẻm nhà mình nay được thuê xuống ngập tràn những chậu cúc vàng ươm… và quan trọng hơn là, Tết mình cùng gia đình sẽ được nghỉ ngơi.

      Gia đình mình có một căn tạp hoá nhỏ từ khi mình 14 tuổi và mình đã phụ nhà buôn bán kể từ dạo đó. Trộm vía là công việc buôn bán cũng thuận lợi, lắm người ra người vào nên bận bịu luôn cả tay chân. Ngày ấy căn tạp hoá chỉ là một gian phòng trọ nhỏ, hàng hoá phải được bày biện thêm ra ngoài sân vỉa hè phía trước nên mỗi tối đều có thêm công việc bưng bê dọn hàng vào, sáng lại dọn ra. Nhớ 23h khuya đêm giao thừa năm 15 hay 16 tuổi gì đó, mình vẫn còn hì hụi gom những thùng giấy carton mang vào kho để giấy, xong hết mới bắt đầu ôm từng hủ keo đựng bánh mứt Tết vào. Nhớ có năm tắm rửa gội đầu xong bước ra khỏi cửa phòng tắm là vừa lúc nhà thờ đổ chuông, tàu Hải Quân hụ còi mừng năm mới. Vậy nên từ lúc có chương trình Táo quân đến giờ, mình vẫn chưa được xem lần nào dù nó đã trở thành việc không thể thiếu của nhiều gia đình dịp Tết đến. Công việc bận rã rời nên những ngày Tết sau đó nhà mình đóng cửa, mình được hoàn toàn nghỉ ngơi.

      Mình thích Tết vì sáng mùng Một các cô bác, anh chị đều tụ họp về nhà mình để thắp nhang cho ông bà nội, sau đó sẽ cùng nhau lên xe đa-su để ba mình chở qua chùa gửi cốt ông bà. Đó trở thành truyền thống gia đình một cách tự nhiên của nhà mình. Mình là một người không thích dây mơ rễ má với họ hàng nhiều (mình hiểu rõ lí do tại sao mình như thế) nhưng mình đã cảm thấy vui tự trong tâm vào buổi sáng mùng Một khi nhìn mọi người tụ họp đông vui ở nhà mình như thế, cảm giác được hai chữ gia đình và tình thân.

      Sau này nếu lập gia đình, nếu bỗng dưng phải làm thêm rất nhiều việc cúng kiếng, thăm hỏi, lễ Tết theo truyền thống tập quán nhà chồng, mình cũng sẽ thích Tết bằng cách tập làm quen với những nghi lễ mới đó. Con người sống có cội có nguồn, có thể sẽ có những hoạt động bị mang đậm hình thức nhưng không sao mà phải không vì mỗi năm Tết chỉ đến một lần, chỉ cần vợ chồng hiểu nhau điều gì là giá trị thật mà cả hai cùng theo đuổi là được. Sau những giờ phút làm trọn đạo hiếu với các bậc bô lão, mình lại về với căn nhà nhỏ, chiếc giường nhỏ của nhau, cùng ăn uống bình dị, cùng thủ thỉ trò chuyện hoặc đơn giản chỉ là cùng nắm tay nhau nghỉ việc nấu ăn ở nhà một bữa, ra ăn quán một hôm, nắm tay nhau ngắm nhìn phố xá ngày lễ Tết rồi cùng về.

    • Vài ngày ở viện..

      Mình cần làm một tiểu phẫu nhỏ nên những ngày qua có vào viện ở vài hôm. Hôm đầu tiên làm các xét nghiệm xem có đủ điều kiện để tiểu phẫu không nên mình vẫn tung tăng một mình trong viện. Lúc ăn trưa ở cantin thì có hai ông bà vào ngồi cạnh. Ông bà thật già rồi. Ông hỏi bà ăn gì ông đi mua phiếu, xong lát bà cầm phiếu ra chọn món và được cô phụ dọn dẹp ở cantin mang hai mâm cơm lại giùm. Bà xin tiền ông mua nước uống, ông lấy trong túi áo ra từng tờ tiền nhăn nhúm, bà và ông cùng đếm rồi bà xách tiền đi mua. Bà mua về ly trái cây dằm rồi bảo: Trả lại ông 5k thừa nè.

      Tay chân bà run run nên mình giữ ghế cho bà khi bà ngồi xuống. Mình có để ý xem ông bà có ai đeo vòng tay bệnh nhân nhập viện không thì không thấy, có lẽ hai ông bà chỉ đi khám hoặc nay vừa được xuất viện về. Mình cũng không thấy có ai đi cùng ông bà cả.


      Cô chú nằm cùng phòng với mình trạc tuổi ba má. Mấy lần trước lúc thay gạc cho chú chắc cô hơi mạnh tay hay sao đó mà hôm đó sau khi y tá thay gạc cho chú xong thì mình nghe chú bảo: “Má nó thay băng cho bố nó đè muốn lòi cả ruột ra ngoài.” Cô đáp lại: “Điêu!” Thế là hai cô chú cùng phá ra cười. Trang nằm giường bên đây cũng muốn bật cười dữ lắm nhưng đây là chuyện riêng người ta nên chỉ dám nén cười khị khị trong miệng.


      Tiểu phẫu ra mình cũng đổi phòng nằm, lần này cùng phòng vẫn là một đôi vợ chồng cô chú nhưng lớn tuổi hơn ba má mình một chút.

      Làm mình nhớ đến ông cậu bà mợ bên họ ngoại. Ông cậu bị liệt phải ngồi xe lăn. Sáng nào bà cũng đưa ông ra biển cho ông tắm biển và đắp cát lên chân ông xoa bóp. Sau đó cho ông đi ăn sáng cà phê rồi đưa đi châm cứu, làm vật lý trị liệu. Giờ thì ông cậu đi đứng trở lại bình thường rồi.

      Cũng không phải khi không người ta gọi vợ chồng là “bạn đời” nhỉ, vì họ là người gắn bó cùng mình đến hết đoạn đời còn lại của mình hoặc của chính họ. Con cháu rồi cũng có cuộc sống riêng của nó, vào viện rồi có những việc chăm sóc nhạy cảm thì vợ chồng chăm nhau vẫn tiện hơn con cái.

      Lắm lúc nằm trên giường bệnh một mình mình cũng tự hỏi không biết mình có đủ may mắn có được một người bạn đời đồng hành như những đôi ông bà, cô chú trên hay không.

      Bức hình là một chiếc view xịn xò từ phòng bệnh 📸

    • Một chút nhân duyên

      Chưa đến 6h sáng nay mình đã ở bệnh viện có việc. Đang đi bộ từ khu A qua khu B, băng qua một lối ra vào cho phép xe ô tô thì thấy một bác đang ngồi trên xe lăn ngay sau đuôi một chiếc xe hơi.

      Đánh giá tình huống thì có vẻ chiếc xe hơi muốn lùi và mình không thấy người nhà của bác đang ngồi xe lăn (có thể đang đi đâu đó) nên mình dợm bước chân chậm lại. Mình là một đứa không tự dưng nhảy vào giúp người khác khi chưa rõ ràng tính huống rằng họ cần sự giúp đỡ nhưng chắc chắn nắm bắt được tình huống để sự can thiệp của mình là luôn kịp thời.

      Cách chiếc xe lăn được 2 bước chân thì chiếc xe hơi lùi lại thật. Đèn sau nháy đỏ, xe hơi bắt đầu lùi, bác ngồi trên xe lăn hô lên có người có người là mình đã quay lại đẩy bác vào trong. Dù sao cũng còn rất lâu mới đến giờ khám của mình nên đẩy xe bác lên phòng khám của bác.

      Trò chuyện qua trong thời gian đợi thang máy thì ra bác cũng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mình, là một thầy giáo dạy toán đã về hưu. Thầy hỏi ngày xưa cấp 3 mình học trường nào và mình thì học khác trường thầy dạy. Mình hỏi thầy đi một mình ạ, sao không để người nhà đi cùng. Thầy bảo không có người nhà, thầy không lấy vợ không con. “À dạ” là lời đáp của mình rồi mình yên.

      Thầy cứ thế kể tiếp câu chuyện của thầy, rằng nhà có 4 chị gái nhưng không ai chăm mẹ bị liệt. Thầy chăm mẹ nằm liệt suốt 20 năm, mẹ thầy 92 tuổi mới mất. Khám tổng quát ở đây xong lát thầy qua quận 1 chích vào gối vì bị khớp, không chích không đi được.

      Mình ngồi đó cho có bạn với thầy, mấy cô đợi xung quanh cũng nghiêng người qua trò chuyện với thầy. Lát có học trò thầy gọi, học trò lên với thầy rồi thì mình cũng chào thầy quay trở lại phòng khám của bản thân.

      Lúc còn trên xe, mình lại nghĩ lại về cái suy nghĩ sống một mình phần đời còn lại thì được chứng kiến cảnh người lớn tuổi rồi, đi đứng khó khăn, đến đi khám cũng tự ngồi xe lăn tự đẩy của thầy thì không thể tránh được cảm thấy chút chạnh lòng.

      Nhưng không sao, Trang vẫn sẽ “fine” với quyết định đó mà thôi 🌿

    • Anh Câm

      Anh Câm

      Xin phép được gọi anh như vậy vì mình không biết tên anh. Anh ở gần xóm mình, hình như bên xóm Lưới, cách xóm mình một con đường lộ (gọi là xóm Lưới vì ở bên đó, hầu như mọi người trong xóm đều sinh sống bằng nghề đi biển đi ghe).

      Mình biết anh theo dạng nghe người này người kia nhắc đến trong khi nói chuyện, khi bé vô tình nhìn thấy vài lần và mãi gần đây ảnh có ra cửa hàng mua đồ thì mới có thể được xem là chân chính tiếp xúc.

      Mình không nghe ai nhắc đến tên ảnh, chỉ gọi là thằng Câm vì ảnh bị câm bẩm sinh. Mình không rõ anh có bị điếc hay không nhưng mình nghĩ chắc là không.

      Sáng nay nghe ba má bảo nhau chở mấy thùng nước suối đem cho, rồi ba bảo thằng Câm chết rồi. Bị té dàn giáo từ tầng 5 của cái công trình chung cư ở ngã tư đó. Rồi má bảo hồi nhỏ nhờ nó đi tìm thằng cháu lấy trộm điện thoại của mình mà nhà mới lấy lại được cái điện thoại. Nó hiền lắm.

      Có lẽ nhà ảnh nghèo nên ba má mới chủ động đem cho như thế. Có lẽ hàng xóm xung quanh cũng mỗi người phụ góp một ít để anh cũng có một đám tang cho trọn vẹn. Anh lớn hơn mình chắc đâu cũng chỉ vài tuổi.

      Hi vọng rằng kiếp sống sau sẽ nhẹ nhàng với anh hơn, anh nhé!

      An nghỉ…!

    Tạo trang giống vầy với WordPress.com
    Tham gia