Trăng nhỏ

Nơi Trang lưu giữ lại những rung cảm của bản thân trên hành trình học cách thương mình và thương người.

Chiếc hoa hồng đặc biệt

Chiếc hoa hồng đặc biệt

Cho tôi xin phép được gọi đây là món quà đặc biệt nhất trong số những món quà tôi đã được nhận từ bạn bè. Vì với tôi, chiếc hoa hồng này đặc biệt từ cách tạo nên, người tạo nên và cả hoàn cảnh tạo nên nó.

Nguyên liệu để làm nên cả cành hoa cùng con bướm là những chiếc túi nilong chúng ta vứt đi hàng ngày chỉ sau một lần sử dụng. Những chiếc túi ấy được hơ trên lửa để teo lại đến một mức độ nhất định có thể se lại thành những sợi dây. Và từng sợi dây ấy sẽ được đan vào nhau để tạo thành hình. Nghe qua đã có vẻ công phu rồi nhỉ? Nhưng thật sự đó chỉ là 1 phần 1000 của sự công phu để tạo nên cành hoa trên mà thôi.

Vì lửa để hơ từng chiếc túi nilong là một ngọn lửa nhỏ leo lắt, được vụng trộm lén lút đốt lên giữa phòng giam. Túi nilong cũng là lén nhặt được trong những lần ra ngoài làm việc cải tạo, lén giặt sạch lau khô. Mỗi ngày bạn cặm cụi se túi nilong thành sợi, phân ra thành từng màu sắc khác nhau, cần mẫn đan từng chút một. Có cán bộ đi kiểm tra thì tắt lửa, đi qua rồi thì bật lên làm tiếp. Đến lúc phải ngủ thì tắt lửa, giấu “bộ đồ nghề” cẩn thận để hôm sau lại tiếp tục làm.

Bạn cặm cụi đan được hai con tôm và bông hoa hồng. Bạn bảo cái này phổ biến trong “giới” phạm nhân lắm nên người này chỉ người kia làm. Trước khi tặng nó cho tôi thì bạn có diễn tả qua về nó trong cuộc gọi kèm câu nói: “Lúc ngồi đan nghĩ rằng sau này ra ngoài sẽ dành tặng nó cho người bạn gái của mình, tuy không biết có ai chịu quen mình không. Không nghĩ là giờ muốn tặng nó cho Trang hơn là tặng con tôm.”

Tôi trân quý lắm công sức bạn làm nên cành hoa trong hoàn cảnh như thế. Có một đợt tôi đọc được bài báo về một người tử tù, món quà cuối cùng ông tặng cho con gái của mình là một con tôm được đan như cành hoa và con tôm bạn tôi đan vậy. Tôi chợt nhận ra rằng trong thời khắc cần mẩn đan lát đó, đó là cả tấm lòng của một người đã muốn hoàn lương.

***

Bạn có kể với tôi cách bạn cũng như vài phạm nhân khác tạo ra lửa trong phòng giam, có người còn áp dụng được cả quy chế hoạt động của ấm đun nước bằng điện để chế tạo ra một thứ gì đó có thể đun sôi nước trong phòng giam nhưng với khoảng thời gian gần 12 năm đã trôi qua thì tôi không thể nhớ nỗi. Nó phi thường lắm mọi người ạ vì nó được tạo nên chỉ từ những thứ vụn vặt họ nhặt được mà thôi, đại loại như một mảnh nhôm hay một cục pin chẳng hạn…

Bạn kể với tôi nhiều điều về việc sinh hoạt của một người phạm nhân, kể về cách người nhà ráng giấu một thứ gì đó vào trong hộp sữa Cô gái Hà Lan rồi hàn kín lại như một hộp sữa mới hòng qua mắt cán bộ, để gửi vào trong theo mong muốn của người thân bị giam giữ. Và có người nhờ người nhà gửi cả “condom”. Khi nói đến khía cạnh này thì bọn tôi chỉ cười trong sự không tin được của tôi rồi cả hai nói sang chuyện khác. Khác giới thì không nên nói thêm gì về đề tài này mặc dù trong đầu tôi có hàng tá cái thắc mắc.

***

Một cuộc gọi đến từ một số lạ:

– Người đầu dây bên kia là Trang phải không?

– Đúng rồi ạ. Cho hỏi là ai thế ạ?

– Bạn là Trang nào vậy? Có biết mình không? Tại sao lại có số bạn trong điện thoại của mình?

Sau một hồi hỏi nhau bằng vô số câu hỏi trong sự ngơ ngác qua lại thì chúng tôi phát hiện ra rằng: chị ruột của bạn cũng là chị đồng nghiệp của tôi đã dùng chiếc điện thoại này, lưu số tôi vào điện thoại thay vì lưu vào sim và khi bạn được ra ngoài thì đã chuyển nhượng chiếc điện thoại sang cho bạn dùng. Và vì chị lưu tên tôi nghe thân thương quá “bé Trang” nên khiến bạn hao tâm tổn sức ráng nhớ lại xem trước khi vào trại, bạn có thân thiết với cô gái nào đến mức lưu tên là “bé” hay không, nhưng nghĩ mãi không ra được nên quyết định làm một cuộc gọi.

Thế là chúng tôi trò chuyện cùng nhau.

Ngày ấy mạng Mobifone có chương trình hễ cùng mạng và gọi dưới 10 phút sẽ không tính phí hoặc phí rất thấp nên bạn cứ gọi nói chuyện với tôi được 10 phút thì tắt xong gọi lại (nhưng đâu phải lúc nào cũng canh được 10 phút). Cứ thế có ngày gần trăm cuộc gọi. Có lẽ tôi là người duy nhất bạn có thể bộc bạch được tâm tư trong những ngày vừa tái hoà nhập cộng đồng.

Bạn kể có hôm đang chạy xe trong xóm thì xảy ra va chạm với người lạ. Người ấy hùng hổ dữ lắm, bạn đang vẫn chưa nói gì thì anh chủ tiệm sửa xe đi ra bảo: “Thằng này nó vừa trong trại ra đấy.” Người kia nghe nói thế im lặng bỏ đi. Bạn kể xong cả hai chúng tôi cùng phá ra cười, cười xong bạn bảo: “Cái đó có gì hay đâu mà đem ra nói.” Tôi chọc bạn: “Nhưng nó vừa cứu bạn ra khỏi một rắc rối còn gì.” Nói cho vui vậy thôi chứ tôi biết trong lòng bạn cảm giác ra sao về “sự cứu giúp vô tình của anh hàng xóm” mà.

Đến lúc thấy thoải mái bạn mới nói với tôi lí do tại sao bạn phải ngồi tù, thời gian bao lâu. Bạn nhấn mạnh vào lí do để nếu tôi có sợ thì vẫn có thể ngưng nói chuyện và ngưng làm bạn với bạn.

Nhưng điều bạn nói mà tôi nhớ rõ nhất là bộc bạch về gia đình: “Ngày đó vì anh em chẳng màng gì, thấy anh em bị đánh thì xông vô ta đây lắm, rồi lúc lãnh án vào tù thì người đi thăm cũng chỉ có người nhà, cần gì thì cũng chỉ có người nhà gửi chứ anh em có thấy một ai. Người khổ cũng chỉ là người nhà mình.” Tôi không đưa ra lời khuyên vì tôi sợ sẽ khiến bạn thấy mặc cảm nên chỉ khi nghe được bộc bạch này tôi mới nhắn nhủ: “Vậy đừng mắc phải sai lầm để vào đó nữa nhé. Có nhiều người vào rồi không sợ nữa nên ra ngoài không biết sợ ấy.” Bạn bảo không có chuyện đó đâu. Giờ gõ những dòng chữ này, tôi thật mong là bạn vẫn đang sống tốt.

Tôi ngày ấy chỉ đang là một cô sinh viên cuối năm hai đầu năm ba, bạn bằng tuổi tôi – một chàng trai 20 – 21 tuổi vừa tái hoà nhập cộng đồng sau gần 3 năm trong nhà giam. Tôi thì thích lắng nghe hơn nói, thích nghe người khác kể về cuộc đời họ – những mảnh cuộc sống khác mà tôi không nhìn thấy, chắc hẳn vì vậy mà tôi được hay có những cuộc trò chuyện khá sâu sắc như thế.

Những mảnh kí ức về bạn bỗng trở lại khi hôm nay lướt insta, tôi thấy được video của một tiệm sản xuất túi xách từ những chiếc túi nilong đã bị vứt đi theo cách se sợi và đan lát như cách bạn đã tạo nên bông hoa hồng.

Bình luận về bài viết này

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia